TIỂU SỬ QUANG TRUNG
TIỂU SỬ QUANG TRUNG
LỜI TỰA
Vào giữa cuối thế kỷ XVIII, chế độ phong kiến Việt Nam đã lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Đất nước bị chia cắt bởi các tập đoàn phong kiến cát cứ. Sông Gianh trở thành giới tuyến, chứng kiến cảnh “huynh đệ tương tàn” kéo dài gần hai thế kỷ. Ở Đàng Ngoài chúa Trịnh lấn át vua Lê, mặc sức bóc lột hà hiếp dân chúng cho thỏa cảnh ăn chơi. Ở Đàng Trong, Thái Phó Trương Phúc Loan mặc sức lộng hành thao túng chính sự. Nhân dân ở Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài tiếng là người dân của một quốc gia phong kiến độc lập nhưng sống cuộc sống chẳng khác gì cảnh sống của người dân nô lệ, binh đao khói lửa liên miên. Sự căm giận của các tầng lớp dân chúng đối với chính quyền thống trị ngày càng một cao, chỉ cần một lời hiệu triệu của vị anh hùng thì nhất loạt nổi lên, lật đổ chính quyền thống trị đương thời thiết lập chính quyền mới.
Chính trong thời khắc đó, người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ xuất hiện đáp ứng yêu cầu của lịch sử lúc bấy giờ. Không những lật đổ các thế lực phong kiến phản động cát cứ để thống nhất đất nước, Nguyễn Huệ còn lãnh đạo đội quân nông dân đánh bại hai cuộc chiến tranh xâm lược của các thế lực ngoại bang giữ yên bờ cõi (đánh tan 5 vạn quân Xiêm vào năm 1785 và 29 vạn quân Thanh năm 1789).
Đã hơn 200 năm trôi qua, song những chiến công hiển hách của người anh hùng áo vải Quang Trung- Nguyễn Huệ vẫn mãi ngời sáng, trở thành những mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP
THÂN THẾ
Tổ tiên của Nguyễn Huệ vốn có gốc gác từ họ Hồ sống ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Trong lần vượt sông Gianh đánh nhau với họ Trịnh ở Đàng Ngoài vào năm 1665, quân chúa Nguyễn đã cưỡng ép rất nhiều cư dân Đàng Ngoài di cư vào Đàng Trong để khai khẩn đất đai, trong đó có tổ tiên nhà Nguyễn Huệ.
Sau nhiều đời lập nghiệp ở ấp Tây Sơn tỉnh Bình Định (nay thuộc thị xã An Khê tỉnh Gia Lai), đến đời Nguyễn Huệ thì đổi từ họ Hồ sang họ Nguyễn. Thân sinh của Nguyễn Huệ là cụ Nguyễn Phi Phúc và bà Nguyễn Thị Đồng. Gia đình cụ Nguyễn Phi Phúc có ba anh em trai, Nguyễn Nhạc là con cả, Nguyễn Huệ là con thứ và Nguyễn Lữ là con út. Thưở thiếu thời, cả ba anh em được học thầy giáo Hiến, vốn là một nho sĩ có tài nhưng bất bình với sự thối nát của chính quyền chúa Nguyễn nên tìm đến đất Tây Sơn mở trường dạy học. Vì thế, cả ba anh em Nguyễn Huệ đều là những bậc văn võ song toàn, trong đó Nguyễn Huệ được thầy giáo Hiến đánh giá là xuất sắc hơn người.
SỰ NGHIỆP LẪY LỪNG
Hưởng dương 40 tuổi (1753 – 1792), qua 21 năm tham gia, điều hành chính sự kể từ ngày dựng cờ khởi nghĩa ở ấp Tây Sơn (1771 – 1792), với 4 năm lên ngôi vua trị vì đất nước (1788 – 1792), Quang Trung – Nguyễn Huệ đã làm nên những kỳ tích phi thường mà trong lịch sử dân tộc ta từ xưa tới nay ít ai sánh kịp.
NGUYỄN HUỆ NHÀ CHỈ HUY QUÂN SỰ KIỆT XUẤT
I – Lãnh đạo khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, đánh đổ hai tập đoàn phong kiến Trịnh – Nguyễn thống nhất đất nước, bảo vệ độc lập dân tộc (1771 – 1789)
1. Lật đổ tập đoàn chúa Nguyễn ở Đàng Trong và đánh tan 5 vạn quân Xiêm (1771 – 1785)
Năm 1771, dựng cờ khởi nghĩa khi mới tròn 18 tuổi, Nguyễn Huệ đã lãnh đạo đội quân nông dân đánh đổ chính quyền họ Nguyễn tồn tại hơn 200 năm ở Đàng Trong đang ở thời kỳ suy sụp với sự lộng quyền của Thái phó Trương Phúc Loan. Chúa Nguyễn Ánh cùng đoàn tùy tùng chạy dạt sang đất Xiêm (Thái Lan), trong bước đường cùng Chúa Nguyễn đã cầu cứu vua Xiêm.
Lấy cớ giúp đỡ chúa Nguyễn Ánh. Vua Xiêm nắm lấy cơ hội này liền đưa quân sang xâm lược nước ta. Cuối năm 1784, chúng đã chiếm được nửa đất Gia Định.
Kiêu căng với thắng lợi, quân Xiêm mặc sức đốt phá cướp của giết người rất tàn bạo. Chúng còn bắt phụ nữ nước ta đem về nước, nhân dân Gia Định vô cùng căm ghét quân Xiêm và thấy được bộ mặt phản dân hại nước của Nguyễn Ánh.
Mờ sáng ngày 19 tháng giêng năm 1785, Nguyễn Huệ dùng mưu nhử địch vào trận địa mai phục ở khúc sông Tiền đoạn từ Rạch Gầm đến Xoài Mút. Trận đánh diễn ra nhanh gọn, phần lớn quân Xiêm bị tiêu diệt.
Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút là một chiến thắng rực rỡ của nghĩa quân Tây Sơn, đánh bại hành động xâm lược của phong kiến Xiêm và hoạt động bán nước của Nguyễn Ánh, thể hiện ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất trong chống ngoại xâm của dân tộc. Chiến thắng này còn thể hiện tài nghệ quân sự tuyệt vời của Nguyễn Huệ, đây là trận đánh đã đi vào nghệ thuật quân sự Việt Nam và được các nhà sử học quốc tế đề cao với tính “tốc chiến, tốc thắng” chỉ trong vòng đúng một ngày.
2. Đánh đổ tập đoàn phong kiến vua Lê -Trịnh, đập tan cuộc xâm lược của 29 vạn quân Thanh (1786 – 1789)
Trong lúc phong trào nông dân Tây Sơn đang diễn ra, ở Đàng Ngoài chính quyền Lê – Trịnh đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Song, nhân lúc chúa Nguyễn Ánh đang giao chiến với nghĩa quân Tây Sơn, chúa Trịnh đưa quân đánh chiếm Phú Xuân. Tình hình mặt Bắc vô cùng nguy cấp, nhiệm vụ đặt ra cho nghĩa quân Tây Sơn là tiếp tục đánh đổ tập đoàn Lê – Trịnh thực hiện nhiệm vụ thống nhất đất nước sau gần hai thế kỷ bị chia cắt.
Tháng 6 năm 1786, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy chia thành hai đường thủy bộ đánh ra Phú Xuân. Chỉ trong mấy ngày thành Phú Xuân bị hạ, cả vùng đất rộng lớn từ Thuận Hóa đến sông Gianh đều lọt vào tay quân Tây Sơn.
Nhân đà thắng lợi, Nguyễn Huệ quyết định tấn công ra Bắc. Một quyết định có ý nghĩa rất to lớn, nó biểu thị nguyện vọng của nhân dân và yêu cầu của lịch sử là thống nhất đất nước.
Ngày 21 tháng 7 năm 1786, Nguyễn Huệ dẫn đại quân vào Thăng Long, tập đoàn phong kiến họ Trịnh ở Đàng Ngoài sụp đổ. Đến đây phong trào Tây Sơn đã lan rộng trên phạm vi cả nước, đất nước thống nhất, chấm dứt tình trạng cát cứ, chia cắt kéo dài gần 2 thế kỷ.
Sau khi thiết lập lại trật tự trên đất Bắc Hà, Nguyễn Huệ giữ đúng lời hứa “phù Lê – diệt Trịnh” giao chính quyền lại cho vua Lê và rút quân trở lại Phú Xuân.
Khi vua Lê Hiển Tông qua đời, cháu nội là Lê Chiêu Thống lên nối ngôi. Lê Chiêu Thống là vị vua bạc nhược dẫn đến nội bộ lục đục, những thành phần cát cứ muốn nỗi lên lập lại chế độ “vua Lê – chúa Trịnh” như trước đây. Giữa năm 1788, Nguyễn Huệ buộc phải kéo quân ra Bắc lần thứ hai trừng trị bọn phản tặc lập lại trật tự trên đất Bắc Hà. Vua Lê Chiêu Thống hoảng sợ chạy sang cầu cứu nhà Thanh. Đến đây triều đình phong kiến nhà Lê đã sụp đổ hoàn toàn, Lê Chiêu Thống trở thành vị vua “phản dân hại nước”.
Nhân cơ hội Lê Chiêu Thống sang cầu cứu 1788, vua Thanh quyết định đem 29 vạn quân dưới sự chỉ huy của Tôn Sĩ Nghị sang xâm lược nước ta. Trước tình hình đó Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Quang Trung (tại Phú Xuân vào ngày 22/12/1788), đốc thúc quân sĩ thần tốc tiến ra Bắc diệt quân Thanh.
Trong chiếu lên ngôi Nguyễn Huệ có đoạn viết “Trẫm là: Người áo vải đất Tây Sơn, không một tấc đất, vốn không có chí làm vua. Chỉ vì lòng người chán ghét loạn lạc, mong có vị minh chúa để cứu đời yên dân. Vì vậy, Trẫm phải tập hợp nghĩa binh, mặc áo tơi, đi xe cỏ để mở mang núi rừng….cốt sao quét sạch loạn lạc, cứu nhân dân trong vòng nước lửa”.
Ngày 26/12/1788 đoàn quân của vua Quang Trung đã tới Nghệ An. Tại đây nhà vua đã mộ thêm quân, đội quân đông tới 10 vạn người và đội tượng binh với hàng trăm voi chiến. Vua Quang Trung truyền cho quân lính và tướng sĩ ăn Tết Nguyên Đán trước và dự định ngày 07 tháng Giêng thì sẽ tổ chức tiệc mừng ăn Tết khai hạ ở thành Thăng Long.
Ngày 30 tháng Chạp (30 Tết) quân chủ lực của vua Quang Trung vượt sông Gián Thủy tấn công hạ đồn Gián Khẩu (Ninh Bình). Đêm ngày 3 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789), quân của vua Quang Trung đã bao vây, tiêu diệt đồn Hạ Hồi (Thăng Long).
Mờ sáng ngày mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu, quân Tây Sơn tấn công vào đồn Ngọc Hồi, đích thân vua Quang Trung cưỡi voi đốc chiến. Quân Thanh không chống cự nổi, các tướng nhà Thanh là Hứa Thế Hanh, Trương Sỹ Long, Thượng Duy Thăng… đều bị tiêu diệt. Quân Thanh hoảng loạn dày xéo lên nhau mà chạy, thái thú Điền Châu là Sầm Nghi Đống trong thế quẩn bách đã thắt cổ tự tử. Tôn Sỹ Nghị liều mình chạy trốn trong hoảng loạn, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp, dẫn bọn lính kỵ mã còn lại vội vàng “chuồn” trước qua cầu phao, rồi nhằm hướng bắc mà chạy…
Trưa ngày mùng 5 tết Kỷ Dậu, vua Quang Trung, áo chiến bào đen sạm khói súng cùng với tướng sỹ “vào thành Thăng Long. Hình ảnh hùng tráng của đạo quân Tây Sơn tiến vào thành Thăng Long đã được Ngô Ngọc Du diễn tả bằng những vần thơ sau:
Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến,
Thiên hạ chật đường vui tiếp nghênh,
Mây tạnh, mù tan, trời lại sáng,
Đầy thành già trẻ mặt như hoa,
Chen vai khoác cánh cùng nhau nói;
Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta!
Không đầy một tuần lễ, 29 vạn quân Thanh đã bị quét sạch khỏi đất nước ta, đất nước trở lại thanh bình. Thời gian trôi qua, nhưng những chiến công hiển hách của quân đội Tây Sơn trong đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ độc lập dân tộc mãi mãi là bài học, là tấm gương không phai mờ. Từ thủ lĩnh nông dân kiệt xuất, vua Quang Trung đã trở thành vị anh hùng vĩ đại của dân tộc. Các thế hệ con cháu người Việt Nam đã noi theo tấm gương sáng đó trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, đặc biệt là cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, Mỹ và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trong giai đoạn hiện nay.
QUANG TRUNG VỊ HOÀNG ĐẾ LỖI LẠC
Đối với công cuộc dựng xây đất nước và thiết lập mối quan hệ bang giao, với thời gian ngắn ngủi chỉ trong vòng 4 năm (1789 – 1792), nhưng hoàng đế Quang Trung đã đưa vị thế của dân tộc ta lên hàng cường quốc của Đông Nam Á. Vua Thanh phải kiêng dè, các nước láng giềng phải nể phục.
1 Chính sách đối nội
Sau khi quét sạch giặc Thanh trấn an bờ cõi vua Quang Trung bắt tay vào việc xây dựng đất nước với nhiều chính sách tiến bộ, với nhiều cải cách để chấn hưng đất nước.
* Về Kinh tế
Quang Trung ban chiếu “Khuyến nông” tăng cường khai hoang, phục hóa, chăm lo cho sự phát triển nông nghiệp. Khuyến khích phát triển thủ công nghiệp, tăng cường, mở rộng hoạt động thương mại. Ông chủ trương phát triển mọi ngành sản xuất nhằm xây dựng một nền kinh tế phồn vinh, độc lập, tự chủ. Với những chính sách tiến bộ đó nên trong một thời gian ngắn nền sản xuất đã phát triển trở lại.
* Về văn hóa, giáo dục
Vua Quang Trung ban chiếu sử dụng chữ Nôm làm văn tự chính thức của nhà nước, cho dịch các sách chữ Hán ra chữ Nôm, Thi cử bằng chữ Nôm. Năm 1791 cho lập Sùng Chính Viện, mời La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp làm viện trưởng, phụ trách dịch các sách chữ Hán sang chữ Nôm.
Về nội dung giáo dục, vua Quang Trung chủ trương bãi bỏ lối học từ chương, khuôn sáo trước đây, thay vào đó là lối học thiết thực, phát huy tinh thần độc lập suy nghĩ của người học, nhằm đào tạo những người có năng lực hoạt động thực sự. Tổ chức kì thi Hương vào năm 1789. Những chính sách văn hóa, giáo dục của Quang Trung chứng tỏ Ông có hoài bảo xây dựng một nền học thuật, giáo dục đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao ý thức độc lập, tự chủ, tự cường.
* Chính sách sử dụng hiền tài và quản lí con người
Quang Trung đã thu nhận và tập hợp quanh mình rất nhiều hào kiệt như: Trần Văn Kỷ, Ngô Thời Nhậm, Nguyễn Thiếp, Phan Huy Ích… Chính thái độ rộng lượng và thành tâm sử dụng hiền tài của vua Qung Trung đã thu phục những sĩ phu yêu nước đứng về phía Tây Sơn để chống lại các thế lực phản động, góp phần vào thắng lợi chung của phong trào Tây Sơn. Khi lên làm vua, ông cho ban hành hàng loạt chiếu để thu phục nhân tâm và thể hiện làng khoan dung độ lượng của mình như: Chiếu hiểu dụ các quan lại văn võ triều cũ; Chiếu phát phối hàng binh người nội địa; Chiếu cầu hiền; Chiếu ban ơn... Để quản lí con người, thuận lợi cho kiểm tra nhân khẩu, ông ra lệnh ai cũng phải mang thẻ “tín bài”.
Chính sách coi trọng giáo dục và biệt đãi nhân tài của vua Quang Trung, là bài học quý giá cho sự nghiệp đổi mới giáo dục của nước ta hiện nay.
* Về Quân đội
Vua Quang Trung đã chú trọng xây dựng một đội quân hùng mạnh và có tính chiến đấu cao. Quân đội thời Quang Trung có các binh chủng là: thủy binh, bộ binh, tượng binh, kỵ binh và pháo binh. Quân đội được phiên chế theo các đơn vị doanh, cơ và đội. Thủy binh được trang bị những chiến thuyền lớn chở được 60 đến 70 súng đại bác cùng với 500 đến 700 binh sĩ. Ngoài giáo, mác, cung, tên… quân đội Quang Trung còn được trang bị thêm súng trường, súng phun lửa (hỏa hổ) đại bác gắn trên thuyền hoặc trên mình voi. Dưới thời Quang Trung, Đại Việt trở thành cường quốc quân sự hùng mạnh ở khu vực Đông Nam Á.
2 Chính sách đối ngoại
* Đối với nhà Thanh
Sau khi quét sạch giặc Thanh, Quang Trung cho lập phái đoàn sang Trung Quốc giảng hòa, song Ông luôn giữ tư thế tự tôn của dân tộc. Nhà Thanh rất kiêng nể Quang Trung (nhiều lần phải nhượng bộ, như việc bỏ lệ cống người vàng và mở cửa ải cho dân chúng hai bên qua lại buôn bán…).
* Đối với Lào và Căm pu chia
Vua Quang Trung chủ trương thiết lập mối quan hệ bang giao trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Nhưng kiên quyết trừng trị đích đáng khi có hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của nước ta.
* Đối với chủ quyền lãnh thổ
Với phương châm “một tấc đất của cha ông cũng không để lọt vào tay quân xâm lược”. Sau khi việc giảng hòa đã đạt được kết quả như ý muốn, vua Quang Trung chuẩn bị kế hoạch đòi lại 7 châu thuộc Hưng Hóa trước đây đã bị bọn quan lại nhà Thanh ở biên giới chiếm. Nhưng việc đó bị bọn quan lại nhà Thanh bác đi, cho rằng cương giới đã xác định rồi. Biết không thể dùng lý lẽ suông để đòi được đất, vua Quang Trung tích cực chuẩn bị lực lượng, củng cố quân đội đòi cho bằng được (có tài liệu cho rằng Quang Trung ấp ủ kế hoạch lấy lại 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây từ tay nhà Thanh).
Trong hoàn cảnh nước ta hiện nay, khi chủ quyền lãnh thổ đang bị đe dọa thì những sách lược đối ngoại của vua Quang Trung, là bài học kinh nghiệm quý giá đối với chúng ta trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền của dân tộc.
Tiếc thay, khi đang ở độ tuổi chín muồi của tài năng, với biết bao nhiêu dự định hoài bảo canh tân, xây dựng đất nước ta trở thành một quốc gia phong kiến hùng cường thì vua Quang Trung đột ngột từ trần vào ngày 29/7 năm Nhâm Tý 1792 (tức 16/09/1792), hưởng dương 40 tuổi. Vua Quang Trung mất sớm là một tổn thất vô cùng to lớn đối với vương triều Tây Sơn lúc bấy giờ, những người kế nghiệp Ông đã không có đủ tài năng và dũng khí để gánh vác trọng trách tiếp tục sự nghiệp xây dựng và phát triển vương triều. Năm 1802 vương triều Tây Sơn chấm dứt sự tồn tại của mình, với sự kiện Nguyễn Ánh dựng nên triều Nguyễn (1802 – 1945), triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
LỜI KẾT
Các thế hệ thầy và trò trường THPT Số 3 Quảng Trạch rất tự hào khi ngôi trường của mình được mang tên vị anh hùng dân tộc – hoàng đế Quang Trung (từ ngày 16/5/2014). Đây là vinh dự lớn, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề, đòi hỏi sự nổ lực, phấn đấu không ngừng của tập thể Nhà trường nhằm xứng danh với tên gọi của vị anh hùng dân tộc – Quang Trung. Năm học 2014 – 2015 đã bắt đầu, năm học đầu tiên trường mang tên THPT Quang Trung, toàn thể thầy trò phấn đấu, nổ lực trong công tác và học tập nhằm lập thành tích cao nhất chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc. Đặc biệt năm học này toàn trường tiến hành kỷ niệm 20 năm ngày thành lập trường Cấp 2-3 Roòn (tiền thân trường THPT Số 3 Quảng Trạch); 15 năm ngày thành lập trường THPT Số 3 Quảng Trạch nay là Trường THPT Quang Trung.
Với những sự kiện trọng đại đó, cùng sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Bình; của lãnh đạo Sở GD&ĐT; sự chỉ đạo của Huyện ủy Quảng Trạch, sự giúp đỡ và tạo điều kiện của chính quyền và nhân dân vùng Roòn, sự phối hợp của các đơn vị đóng trên địa bàn… Cùng vơi sự quyết tâm của tập thể Nhà trường, sự phấn đấu vươn lên của toàn thể các em học sinh, sự phối hợp có hiệu quả của Hội Cha mẹ học sinh. Với tinh thần đó, trường THPT Quang Trung sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đưa mái trường mang tên vị anh hùng dân tộc Quang Trung trở thành trường chuẩn quốc gia trong năm học 2014 – 2015.
Quảng Phú, ngày 15 tháng 8 năm 2014 T/M BGH
HIỆU TRƯỞNG
Đỗ Hữu Diên